Vụ tai nạn liên hoàn ở Hà Nội do một nam giảng viên điều khiển ô tô trong tình trạng nồng độ cồn vượt mức nghiêm trọng khiến một người tử vong, nhiều người bị thương. Theo luật sư, người gây ra vụ việc có thể phải chịu hậu quả pháp lý nặng, thậm chí đối diện án tù lên tới 10 năm tù nếu đủ căn cứ truy tố theo quy định.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Minh Giáp (41 tuổi, trú tại phường Yên Nghĩa), người được xác định là tài xế trong vụ đâm liên hoàn ở Dương Nội tối 16/7 vừa qua.
Theo thông tin ban đầu, ông Giáp được biết là một nam giảng viên đang công tác tại một cơ sở đào tạo ở Hà Nội, đã điều khiển ô tô theo hướng đường Lê Trọng Tấn về khu đô thị Yên Nghĩa, bất ngờ lao vào loạt phương tiện đang lưu thông. Hậu quả, 5 xe máy và 2 ô tô con bị tông liên tiếp, một người tử vong tại chỗ, một phụ nữ và con nhỏ bị thương nặng, cùng 4 người khác bị xây xát. Toàn bộ 8 phương tiện hư hỏng nặng.
Đáng chú ý, kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ cồn của tài xế Lê Minh Giáp lên tới 0,861mg/l khí thở, mức vi phạm được đánh giá là cao gấp hơn 2 lần ngưỡng “kịch khung” theo quy định tại Nghị định 168/2024. Đây là tình tiết quan trọng khi xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ việc.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Hoàng Linh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Với việc tài xế gây tai nạn chết người trong tình trạng say xỉn, hành vi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều này, người điều khiển phương tiện mà gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây thương tích từ 61% hoặc thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, trong khi có nồng độ cồn vượt mức quy định, có thể bị truy tố với khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù.
Với vụ tai nạn liên hoàn ở Hà Nội lần này, hậu quả ban đầu đã có người tử vong, nhiều người bị thương, tài sản hư hỏng lớn. Đây là những căn cứ để áp dụng tình tiết định khung tăng nặng, dẫn đến hình phạt cao. Nếu giám định cho thấy tổng thiệt hại về sức khỏe của các nạn nhân vượt 201% hoặc tài sản thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng, nam giảng viên gây tai nạn liên hoàn có thể bị xử lý theo khoản 3 Điều 260, với mức án từ 7-15 năm tù.
Ngoài ra, người gây tai nạn còn phải bồi thường dân sự cho các nạn nhân, bao gồm chi phí điều trị, tổn thất tinh thần, thu nhập bị mất… theo quy định tại các điều 589, 590 và 591 Bộ luật Dân sự 2015.
Trong giai đoạn điều tra, cơ quan công an sẽ tiếp tục giám định mức độ thương tật, giá trị thiệt hại tài sản, từ đó xác định rõ hơn hậu quả pháp lý mà tài xế gây tai nạn chết người này phải đối mặt. Trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, như ăn năn hối lỗi, tự nguyện bồi thường, có thể được tòa án xem xét giảm nhẹ theo Điều 54 Bộ luật Hình sự.