“Mánh khóe gian lận ở thị trường dầu ăn”: Đại biểu Quốc hội yêu cầu xử lý nghiêm
Báo điện tử Dân Việt mới đây đăng tải loạt bài “Mánh khóe gian lận ở thị trường dầu ăn”. Loạt bài ghi nhận hàng loạt nhãn hiệu dầu ăn có chữ “Gold”, ngụ ý “chất lượng như vàng”. Thế nhưng, phía sau nhãn mác đẹp đẽ là những can dầu ăn bị “ăn bớt” dung tích, khối lượng, thiếu Vitamin A, nơi sản xuất không đảm bảo theo quy định pháp luật.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho biết, ông đã đọc kỹ và đánh giá rất cao loạt bài viết của Báo điện tử Dân Việt bởi phản ánh đúng vấn đề được nhiều người quan tâm là vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, loạt bài thể hiện đúng tinh thần của Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang quyết liệt xử lý các vụ sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng… Hàng trăm vụ việc đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Theo ông Hòa, dầu ăn là mặt hàng thiết yếu, được sử dụng hàng ngày tại các gia đình Việt, quy trình sản xuất dầu ăn cũng rất chặt chẽ. Vì vậy, nếu sản xuất không đảm bảo an toàn, thành phần không đúng như công bố trên nhãn mác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đối với các đơn vị sản xuất và các nhãn mác dầu ăn được nêu trong loạt bài, vị đại biểu Quốc hội cho rằng, theo thông tin ban đầu báo nêu, đã có dấu hiệu mập mờ trên nhãn mác, quy trình sản xuất có dấu hiệu không đảm bảo.
Đây là cơ sở để cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và cần vào cuộc quyết liệt. Trường hợp phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm; nếu vi phạm đến mức phải xử lý hình sự thì cần khởi tố theo quy định.
Ngoài ra, ông Hòa còn cho rằng, không chỉ đối với các sản phẩm dầu ăn giá rẻ, nhỏ lẻ, cơ quan chức năng cũng cần thiết kiểm tra các sản phẩm dầu ăn đã có thương hiệu nổi tiếng để xem có đảm bảo an toàn hay không, thành phần có đúng như công bố hay không.

Doanh nghiệp có quyền đăng ký sản phẩm và chất lượng hàng hóa của mình, còn cơ quan chức năng có trách nhiệm hậu kiểm.
Cho nên, đối với các sản phẩm không chỉ những sản phẩm có thương hiệu mà cả các sản phẩm chưa có thương hiệu khi đưa ra thị trường đều phải tuân thủ đúng quy định, quy trình và thành phần như đã đăng ký.
Còn trách nhiệm của cơ quan chức năng là tăng cường kiểm tra, giám sát để xem các sản phẩm lưu hành trên thị trường có đúng như nội dung đã đăng ký ban đầu hay không. Nếu phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Trước đó, như Dân Việt đã phản ánh, thị trường dầu thực vật (dầu ăn) ở Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Sản phẩm dầu ăn “trăm hoa đua nở”, dẫn tới tình trạng nhãn mác, bao bì bát nháo, chất lượng “thật giả lẫn lộn”.
Theo Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, từ năm 2023, quy mô thị trường dầu ăn tại Việt Nam ước đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm. Con số này tiếp tục ghi nhận tăng trưởng qua từng năm. Chính vì vậy, không ít cơ sở, doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư vào thị trường béo bở này.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, cũng xuất hiện không ít đơn vị, hộ kinh doanh có dấu hiệu gian lận, sản xuất dầu ăn kém chất lượng, thậm chí là hàng giả.

Phóng viên Báo Dân Việt đã tìm hiểu tại một số chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, đồng thời tiếp cận một số cơ sở sản xuất dầu ăn giá rẻ tại nhiều tỉnh miền Bắc để làm rõ những góc khuất, mánh khóe gian lận trong thị trường “béo bở” này.
Đáng chú ý, trong số các mẫu dầu ăn “chất lượng vàng” được nhóm phóng viên Dân Việt tiếp cận, có sản phẩm của doanh nghiệp vừa bị cơ quan công an khởi tố vụ án vì sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đó là nhãn hiệu dầu ăn Ofood Cooking Oil, do Công ty TNHH Sản xuất & Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food sản xuất, có địa chỉ tại thôn Ba Chữ, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội (nhà máy đặt tại đường D2, khu D, Khu công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2022 đến tháng 5/2025, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food đã sản xuất các loại dầu thực vật tinh luyện gắn nhãn hiệu Ofood Cooking Oil, dầu đậu nành gắn nhãn hiệu Ofood là hàng kém chất lượng, hàng giả rồi phân phối tới nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị các cơ quan chức năng thông báo rộng rãi đến các đại lý phân phối về việc các loại dầu thực vật gắn nhãn hiệu Ofood Cooking Oil, dầu đậu nành nhãn hiệu Ofood là hàng kém chất lượng, hàng giả.

Đồng thời, cơ quan công an đề nghị phối hợp với các cơ quan truyền thông để thông tin rộng rãi đến các cơ sở buôn bán, sử dụng dầu thực vật và người dân nhằm cảnh báo, không buôn bán, tiêu dùng các sản phẩm nêu trên.
Ngoài ra, cần tổ chức tiếp nhận thông tin, phản ánh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người sử dụng; phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh, truy tìm nguồn gốc các lô sản phẩm là dầu thực vật tinh luyện gắn nhãn hiệu Ofood Cooking Oil, dầu đậu nành mang nhãn hiệu Ofood, được xác định là hàng kém chất lượng, hàng giả.
Liên quan đến nội dung điều tra, sau khi Báo Dân Việt phản ánh về nhãn hiệu dầu ăn Vita Gold do Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Minh Phúc (địa chỉ: Lô 19, đường Vương Văn Trà, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) sản xuất, ông Vương Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, đã chỉ đạo Sở Y tế vào cuộc kiểm tra.
Sau đó, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp vào cuộc xử lý theo đúng quy định.